POP và U-POP là gì?

POPs (Persistant Organic Polutants) là tên gọi tắt của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, được sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp hoặc có thể do vô ý phái thải trong quá trình sản xuất. Do có sự kết hợp đặc biệt giữa tính chất vật lý và hóa học, các chất này có thể dẫn đến hình thành 4 đặc tính nguy hại khi thải ra môi trường:

  • Khó phân hủy trong môi trường tự nhiên;
  • Có khả năng phân tán rộng vào các thành phần môi trường;
  • Có khả năng tích tụ sinh học;
  • Độc hại cho người và động vật.

U-POPs: (Unintentional Persistent Organic Pollutants) hay còn được gọi là chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định, được tạo ra từ quá trình nhiệt đốt cháy không hoàn toàn, liên quan đến chất hữu cơ và clo hoặc do các phản ứng hóa học.

Trong các U-POP, Dioxin/Furan là những chất có độc tính cao nhất. Chúng rất bền trước các tác nhân phân hủy hóa học, vật lý và sinh học, tích luỹ nhiều trong mỡ động vật, từ đó lan truyền trong các chuỗi thức ăn gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người, gây ra các bệnh như ung thư, rối loạn nội tiết, dị tật bẩm sinh…

Sự ra đời của dự án Hoá học xanh

Trong số các hợp chất POPs, nhiều hóa chất từng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đã bị cấm ở nhiều nước; điển hình như DDT (Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane), và PCB (Polychlorinated biphenyls). Tuy nhiên, với đặc tính nguy hại đã được xác định rõ ràng, DDT,  PCB, cũng như các hợp chất POPs nói chung cần phải được cắt giảm sử dụng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn. Bên cạnh lý do bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, với tư cách là thành viên của Công ước Stockholm về các chất POPs và Công ước Minamata về thủy ngân, Việt Nam có trách nhiệm triển khai các cam kết được quy định trong hai Công ước.

Sau khi Công ước Stockholm có hiệu lực vào năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm. Vào thời điểm này danh mục POPs mới chỉ có 12 chất, sau đó dần được bổ sung thêm các chất mới. Cũng trong năm 2017, Công ước Minamata về thủy ngân có hiệu lực đối với Việt Nam.

Chính vì những lý do này, Cục Hóa chất Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành thực hiện dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại”. Dự án được tài trợ bởi GEF/UNDP và đồng tài trợ bởi các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.