Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc Việt Nam (UNDP Việt Nam) và ba trường Đại học Phenikaa, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Công Nghiệp Hà Nội đã tổ chức chuỗi hội thảo với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm Hoá học xanh trong doanh nghiệp và lồng ghép Hoá học xanh vào bài giảng tại các trường đại học”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Áp dụng Hoá học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hoá chất hữu cơ khó phân huỷ và hoá chất nguy hại” (dự án HHX), do Quỹ Môi trường toàn cầu (GCF) tài trợ.

Hội thảo được diễn ra trực tuyến, có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, là đại diện UNDP, Cục hóa chất, Hội hóa học Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam, Công ty Cổ phần Vicostone, Công ty Cổ phần Sơn Nishu, Công ty Cổ phần Plato Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, Công ty Cổ phần Hoá chất Việt Trì, và lãnh đạo, giảng viên và sinh viên các trường ĐH Phenikaa, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Việt Trì, v…v…
Hoá chất hiện đang có mặt ở hầu hết các ngành sản xuất, do vậy việc đảm bảo áp dụng HHX là xu hướng phát triển bền vững ở mọi quốc gia. Việc áp dụng hóa học xanh trong sản xuất giúp giảm mức độ ô nhiễm môi trường, đất, nguồn nước từ đó giảm bớt các tác động xấu của hóa chất độc hại tới sức khỏe con người. Ước tính, mỗi năm sản xuất công nghiệp tại Việt Nam phát thải khoảng 3 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 30% là chất thải độc hại. Do vậy việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy về hóa học xanh ở các trường đại học và áp dụng vào việc sản xuất là điều rất cần thiết.
Một nghề có liên quan mật thiết đến áp dụng 12 nguyên tắc HHX và đảm bảo an toàn trong sản xuất là “kĩ sư an toàn”, một vị trí rất quan trọng và cần thiết đối với bất kì cơ sở sản xuất kinh doanh nào, đặc biệt với những bên có sử dụng nhiều hoá chất. Tuy vậy, theo TS. Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vicostone, Giảng viên ĐH Phenikaa, lực lượng kĩ sư an toàn đang rất hiếm tại Việt Nam, vì hiện tại chưa có trường đại học nào có ngành học hoặc môn học này trong chương trình đào tạo của mình. Ông Tuấn chia sẻ: “Với tư cách một doanh nghiệp, cũng như một giảng viên đại học, tôi tha thiết đề nghị các bộ ban ngành, tổ chức có liên quan sẽ có tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới các trường đại học để đưa môn học về hóa học xanh và kĩ sư an toàn vào trong chương trình của mình”.
Hội thảo cũng đề cập và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc làm sao để áp dụng hiệu quả các nguyên tắc HHX trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nhựa, ngành mạ điện, ngành làm giấy và sản xuất sơn; cách nhận biết rủi ro và ứng phó sự cố liên quan tới các hoạt động trong lĩnh vực hoá học; các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát thải, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng than và điện, hướng tới sản xuất xanh và bền vững.
Các chuyên gia trong lĩnh vực hoá chất và HHX cũng đã thảo luận về cách thức lồng ghép HHX vào bài giảng chuyên ngành tại các trường đại học, và chia sẻ các cơ hội thú vị liên quan đến ngành hoá chất cho nhóm sinh viên. Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội thảo cũng chia sẻ rằng họ sẵn sàng hợp tác với dự án và các trường đại học trong việc chia sẻ thực tiễn và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận kinh nghiệm áp dụng hóa học xanh.
Các bạn sinh viên từ các trường cũng đã có cơ hội để trình bày nguyện vọng và nhu cầu của mình trong quá trình học và khi chuẩn bị cho tương lai ra trường tìm việc sau này. Bạn Lê Thị Kiều Oanh, sinh viên năm 4, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM chia sẻ: “Em hi vọng sinh viên chúng em có thể được có nhiều cơ hội tham gia các buổi tham quan, đi thực địa tại các cơ sở sản xuất có áp dụng hóa học xanh. Ngoài ra, chúng em cũng rất mong muốn được tiếp cận nhiều hơn các thông tin về các chương trình trao đổi, các cuộc thi như Cuộc thi Hóa học xanh, Olympic Hóa học, v…v…”
Dự án “Áp dụng Hoá học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải sử dụng các hoá chất hữu cơ khó phân huỷ (POPs) và hoá chất nguy hại”, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và UNDP hỗ trợ. Mục tiêu chính của Dự án là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu Hóa học xanh (HHX) và những ứng dụng HHX cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm thiểu việc sử dụng, phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm và Công ước Minamata.